top of page

ĐÔI NÉT VỀ ESPRESSO

Đã cập nhật: 12 thg 4, 2023

Espresso là thức uống rất đặc biệt, bắt đầu dần phổ biến và được lòng người tiêu dùng ở Việt Nam khi làn sóng cà phê thứ 2 xuất hiện. Đây là một dạng cà phê đậm đặc được phục vụ trong những tách nhỏ, và cũng là một phần cà phê nền không thể thiếu của nhiều loại đồ uống cà phê được yêu thích khác, chẳng hạn như cappuccino, latte, americano và macchiato.


Ở Việt Nam, cà phê espresso thường được biết với tên gọi là "Cà phê máy" để phân biệt với cách làm truyền thống là cà phê pha phin. Nhưng ngoài sự khác biệt về cách pha chế, thì về bản chất cà phê espresso có gì đặc biệt mà lại cuốn hút đến như vậy?

 

Khởi nguồn

Máy pha cà phê espresso đầu tiên được phát minh vào năm 1884 bởi nhà phát minh người Ý tên là Angelo Moriondo. Nó được thiết kế để pha cà phê một cách nhanh chóng và đã được cấp bằng sáng chế ở Turin.


Mặc dù phát minh của Moriondo là máy pha cà phê đầu tiên sử dụng cả nước và hơi nước tuy nhiên không có nhiều thông tin về Moriondo, cũng như chưa hề xuất hiện máy pha “Moriondo” nguyên bản để kiểm chứng. Ngoại trừ chiếc bằng sáng chế. Do đó Moriondo đã lặng lẽ đi vào lịch sử.

Hai chục năm tiếp theo, ở khắp nơi trên thế giới đã xuất hiện nhiều phiên bản “cải tiến” cho phát minh của Moriondo, khắc phục sự khó kiểm soát áp suất khi trực tiếp đun nước bằng lửa, sáng tạo ra ống hơi để thoát hơi nước tích tụ dưới nồi hơi của máy.

Vào năm 1903, Luigi Bezzera - một nhà phát minh đến từ Milan đã cho ra một thiết kế cải tiến, và đã được cấp bằng sáng chế.


Đến năm 1905, Desidero Pavoni mua công ty mẹ này và sản xuất máy pha cà phê espresso thương mại đầu tiên: chiếc Ideale.


Máy pha cà phê espresso thương mại đầu tiên của La Pavoni. Nguồn: Perfect Daily Grind.


Chiếc máy pha lúc này chưa đủ để đưa áp suất đạt 9 bar như những chiếc máy pha hiện đại. Do đó cà phê được làm ra sẽ có phần giống giống với những cách pha cà phê truyền thống (dù tốc độ có nhanh hơn).


Năm 1947, Gaggia phát minh ra máy bơm bằng tay. Nó tạo nhiều áp suất hơn lên bánh cà phê (coffee puck), từ đó chiết xuất được khí CO2, dầu và chất keo trong cà phê, hình thành một lớp crema quyến rũ mà bạn thấy ở một ly espresso.


Đến năm 1948, chiếc máy pha espresso công nghiệp đầu tiên bởi Gaggia được ra đời, đánh dấu một bước chuyển mình lớn trong ngành công nghiệp cà phê.

Việc phát minh ra máy pha cũng như món cà phê espresso đã cách mạng hóa cách tiêu thụ cà phê và châm ngòi cho cuộc cách mạng cà phê espresso sau này.


Chiếc máy pha cà phê espresso đầu tiên của Gaggia: The Classic. Nguồn: gaggia.com


Cái tên "caffé espresso" tạm dịch là "cà phê được ép ra tức thì, nhanh chóng", chỉ loại cà phê được chiết xuất bằng cách đẩy một lượng nước sôi nhỏ qua cà phê xay mịn ở áp suất khoảng 9 bar.


Cà phê espresso đã trở thành hình tượng, đồng thời tạo ra một văn hóa uống cà phê ở Ý. Người ta thường gọi một tách Espresso được phục vụ nhanh chóng tại quầy bar (còn gọi là espresso bar), uống ngay tại chỗ chỉ với vài hơi sau đó rời đi.

 

Espresso là gì?

Espresso là một loại đồ uống có dung tích 25–35 ml được pha chế từ 7–9 gam cà phê mà qua đó nước sạch có nhiệt độ 90,5 - 96,1ºC được ép ở áp suất 9–10 atm, và ở đó xay cà phê sao cho thời gian pha là 20–30 giây.

Theo Hiệp hội Cà phê Đặc sản (Specialty Coffee Association)


Nguồn: lamarzoccousa.com


Về hình thức, một ly cà phê espresso sẽ gồm 2 lớp: lớp crema và chất lỏng.

  • Lớp crema: được hình thành bởi các khí CO2 được bao bọc bởi nước và dầu. Có vị đắng.

  • Chất lỏng: được hình thành bởi hàm lượng các chất rắn hòa tan, các hợp chất khí hòa tan và cả các chất rắn không hòa tan từ phần bột cà phê mà chúng ta sử dụng. Góp phần tạo nên hương, vị và cảm giác miệng khi thưởng thức.

Khi thưởng thức cà phê espresso, chúng ta có thể xoay tròn ly để các hỗn hợp bên trong được hòa quyện rồi sau đó thưởng thức, hoặc có thể dùng muỗng để khuấy đều trước khi dùng.

 

Biến thể và ứng dụng

Với một ly espresso thông thường, chúng ta sẽ sử dụng tỉ lệ pha chế phổ biến là 1:2 (tức là 1g cà phê bột sẽ cho ra 2ml espresso).


Khi thay đổi tỉ lệ pha nhiều hơn hoặc ít hơn, chúng sa sẽ có được hai biến thể của cà phê espresso truyền thống. Đó chính là Ristretto và Lungo:

  • Ristretto: hay gọi một cách khác là "Short Espresso". Tức chỉ cà phê được pha chế tương tự như cà phê Espresso truyền thống nhưng với lượng nước ít hơn, thường rơi vào khoảng 1:1 đến 1:1,5. Ristretto được miêu tả là rất đậm đặc, phù hợp với những bạn có gu cà phê mạnh.

  • Lungo: hay còn gọi là "Long Espresso". Một dạng espresso nhưng lấy dài nước hơn, thường tỉ lệ sử dụng rơi vào khoảng 1:3 hoặc 1:4. Được miêu tả là loãng hơn, dễ uống hơn, tuy nhiên lại cho ra vị đắng hậu.

Những tùy biến này được ra đời nhằm đáp ứng gu cà phê của từng quốc gia mà cà phê espresso du nhập đến.

Nguồn: Otten Coffee


Cà phê Espresso dường như trở thành một cà phê nền quá tốt để có thể ứng dụng và sáng tạo nên nhiều thức uống nổi tiếng và được yêu thích trên thế giới.

Một số thức uống nổi bật mà chắc chắn bạn đã từng nghe qua như là:

  • Latte

  • Cappuccino

  • Flat White

  • Americano

  • Mocha Coffee...

Cà phê Latte tại iO Coffee


và còn nhiều hơn nữa, đủ để thấy sức ảnh hưởng của cà phê espresso mạnh mẽ đến nhường nào.

 

Espresso, làn sóng cà phê thứ hai và làn sóng cà phê thứ ba


Khi làn sóng cà phê thứ hai bắt đầu, người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến cách thưởng thức cà phê cũng như chất lượng và trải nghiệm mà cà phê mang lại. Chứ không chỉ đơn thuần là một hình thức nạp caffeine vào cơ thể.


Từ đó, văn hóa thưởng thức cà phê có phần chậm lại, khách hàng sẽ dành thời gian ngồi lại quầy bar, tận hưởng, trò chuyện, hoặc tán gẫu với các bạn barista. Từ đó các quầy bar phục vụ cà phê trở nên sôi nổi và mang tính cộng đồng hơn.


Hình ảnh một quán cà phê thời bấy giờ tại Ý. Nguồn: Specialcoffeeitaly.com



Những "Coffee Bar" dần trở thành một phần cuộc sống của người dân Ý.

Nguồn: barinedita.it, Pinterest


Khi làn sóng cà phê thứ ba cập bến, phong trào sản xuất cà phê chất lượng cao được chú trọng, và hơn hết cà phê được xem như một nghệ thuật thủ công. Tất cả các khâu của một chuỗi giá trị từ trồng trọt, sơ chế, rang xay và pha chế đều được đầu tư và cải thiện hết sức rõ rệt qua năm tháng.


Điều đó dẫn đến mỗi ly cà phê Espresso lúc này trở thành một câu chuyện thú vị. Khách hàng bắt đầu quan tâm hơn đến nguồn gốc của loại hạt cà phê được phục vụ, bắt đầu để tâm hơn đến kỹ thuật của người thợ rang và người thợ pha, đồng thời họ tận hưởng hơn thành quả của cả một chuỗi cung ứng gói gọn lại trong từng hớp cà phê.

 

Tạm Kết:


Cà phê espresso là một bước chuyển mình không thể tuyệt vời hơn đối với ngành công nghiệp cà phê. Và iO Coffee trân trọng điều đó.


Do đó chúng mình luôn đặc biệt chú trọng đến chất lượng từng mẻ rang. Để làm sao cho có thể truyền tải hết giá trị, sự cố gắng không ngừng nghỉ của những người nông dân, những nhà sơ chế của Việt Nam.



Cảm ơn bạn vì đã theo dõi và ủng hộ những bài viết của iO Coffee. Mong chủ đề hôm nay sẽ làm bạn hứng thú hơn với thế giới cà phê nhé.

Hẹn sớm gặp lại bạn với một chủ đề hấp dẫn tiếp theo.

 

Nguồn tham khảo:



27 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page