Cà phê chồn, hẳn là một cái tên có vẻ không còn quá xa lạ, từng một thời làm mưa làm gió với người người yêu thích cà phê, được xem là một trong những loại cà phê hiếm và đắt đỏ nhất trên thế giới.
Thế nhưng khi làn sóng cà phê thứ ba xuất hiện, một cách nào đó cà phê chồn đã ít được nhắc đến trong cộng đồng, có chăng sự đầu tư sản xuất cho loại cà phê này đã bị giảm sút, hay cái nhìn về cà phê chồn trong lòng người tiêu dùng đã có sự đổi thay?
KHỞI NGUỒN
Cà phê chồn được biết với những tên tiếng Anh như Weasel Coffee, Civet Coffee hoặc với một tên gọi mang tính địa phương hơn là Kopi Luwak - bắt nguồn từ Indonesia.
Đầu thế kỷ 18, người Hà Lan đã mang cây cà phê đến các nước thuộc địa của họ, bao gồm Indonesia và quần đảo Sumatra của Indonesia. Vào thời điểm đó, ngành cà phê của Indonesia hoàn toàn do người Hà Lan kiểm soát. Nông dân và công nhân đồn điền cà phê không được phép thu hoạch hạt để sử dụng cho mục đích cá nhân vì cà phê rất có giá trị và sẽ bị coi là ăn cắp.
Sau đó, các công nhân đã quan sát thấy một loại chồn (đúng ra phải gọi là cầy hương, cụ thể là Cầy vòi voi - trông giống con mèo), ăn quả cà phê tươi và sau đó thải ra phân vẫn còn chứa hạt cà phê, vì chúng không tiêu hóa được. Những người nông dân địa phương đã thu thập phân đó và cẩn thận làm sạch các hạt cà phê bên trong một cách tỉ mỉ. Sau đó, họ rang và pha cà phê đó để uống. Họ phát hiện ra rằng điều này đã cho ra một loại cà phê có hương vị đặc biệt mà người dân địa phương có thể thưởng thức miễn phí.
Những chú cầy hương góp phần tạo nên một loại cà phê hết sức đặc biệt. Nguồn: Internet.
Khi những người châu Âu đến Indonesia và phát hiện ra rằng người dân địa phương uống loại cà phê đặc biệt này, họ cũng nhanh chóng phát cuồng vì nó. Mặc dù, Indonesia được coi là nguồn gốc của loại cà phê nổi tiếng thế giới này, nhưng nó đã phát triển một cách tự nhiên theo những cách tương tự trên khắp các đồn điền cà phê và rừng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Số lượng cà phê thu được từ sản phẩm của loài cầy hương tự nhiên này, tính về diện rộng các nước Đông Nam Á, cũng quá "khiêm" tốn so với cách sản xuất thông thường: khoảng 200kg/năm. Do đó góp phần khiến cho loại cà phê này đạt giá cao ngất ngưỡng.
Để đáp ứng được nhu cầu cũng như tính hiếu kỳ của người tiêu dùng, một số cơ sở đã tiến hành sản xuất cà phê chồn này theo chiều hướng "nhân tạo". Tức, họ sẽ xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi cầy hương, và cho chúng ăn trái cà phê chín, rồi thu hoạch cà phê. Tuy nhiên cách làm này cho ra sản phẩm không mấy đặc trưng, và không thể đạt đến chất lượng của quá trình tự nhiên.
THỰC TRẠNG
Quá trình diễn ra tự nhiên rất tốn công sức và thời gian, vì người nông dân cần phải tìm kiếm trong rừng rậm hàng dặm để tìm phân của một con cầy hương hoang dã rồi mới có thể có cơ hội thu được vài chục hạt cà phê. Điều này đã đẩy giá của cà phê chồn tăng vọt; bạn có thể bước vào một quán cà phê rất thời thượng ở thủ đô Luân Đôn gọi một cốc cà phê chồn với giá có thể lên đến 50 bảng Anh (khoảng 1,400,000 VNĐ). Việc thị trường cà phê chồn toàn cầu phát triển đã thúc đẩy hoạt động nuôi nhốt, buôn bán cầy hương bất hợp pháp và vô nhân đạo.
Trong tự nhiên, cầy hương là loài ăn tạp sống đơn độc và sống về đêm. Chế độ ăn của chúng bao gồm côn trùng và trái cây, bao gồm cả quả cà phê. Để đáp ứng nhu cầu, các nhà cung cấp bắt cầy hương từ tự nhiên và nhốt chúng trong những chiếc lồng chật chội, hầu như chỉ cho chúng ăn quả cà phê. Những con cầy hương trở nên rất đau khổ vì bị nhốt gần những con cầy hương khác. Căng thẳng cực độ và chế độ ăn uống không lành mạnh dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và những con vật bị nhốt trong lồng thường xuyên chết.
Loài cầy hương bị bắt nhốt lại nhằm mục đích khai thác cà phê chồn theo hướng công nghiệp. Nguồn: Internet.
Ngoài ra, việc bắt nhốt này còn hướng đến việc phục vụ khách du lịch.
Khi mà trên thị trường cà phê chồn dần tỏ ra có giá trị, người tiêu dùng bắt đầu được truyền tai nhau và không giấu được sự tò mò về nguồn gốc cũng như xuất xứ, từ đó các gói tham quan (đặc biệt là cho khách nước ngoài), tìm hiểu về cách để có một ly cà phê chồn ngày một nhiều hơn.
Thực tế, dù cho là có nuôi nhốt để tăng sản lượng so với các sẩn phẩm tự nhiên, thì cũng là quá ít để có thể cung ứng cho thị trường đầy sự hiếu kì. Do đó các lái buôn đã bắt đầu có sự gian dối, họ trộn thêm những loại cà phê khác cùng hương liệu và bán, xuất khẩu dưới tên cà phê chồn với giá đắt đỏ.
Và nếu bạn không phải là một chuyên gia, hay bạn chưa từng uống cà phê chồn thật sự trước đó, thì bạn rất dễ bị lầm.
SỰ THẬT
Cà phê chồn được các lái buôn giới thiệu rằng là một loại cà phê đặc sản hết sức quý hiếm.
Để có được một ly cà phê chồn cực phẩm cần phải hội tụ đủ các yếu tố sau:
- Cầy hương được thả tự nhiên, ăn trái cà phê chín đỏ (chứa lượng đường trái cây cao).
- Thời gian lên men trong dạ dày chứa các enzym đặc biệt của cầy hương khoảng 24 giờ, với nhiệt độ thân nhiệt của cầy hương (37 độ C).
- Sau khi thải ra, cần để phơi dưới những nơi thoáng mát và độ ẩm thấp.
Khi hạt cà phê đi qua dạ dày của cầy hương, cà phê sẽ được các loại enzym phá vỡ cấu trúc protein có trong thịt quả cà phê và quá trình lên men diễn ra. Quá trình này loại bỏ một phần vị đắng của axit khỏi hạt cà phê và tạo ra hương thơm độc đáo của quả hạch, sôcôla,... cùng vị cà phê cực kỳ êm dịu.
Thoạt nghe chúng ta sẽ thấy cà phê chồn là một loại cà phê thật sự đặc biệt, thơm ngon và khó có thể "nhân bản" với số lượng lớn, nếu có cơ hội được thử sẽ là một dịp rất chi là may mắn.
Để kiểm chứng chất lượng của loại cà phê này, một số chuyên gia đến từ tổ chức SCA đã tổ chức thử nếm, kiểm định chất lượng của những sản phẩm từ cà phê chồn. Và phần lớn ý kiến của các chuyên gia nhận định rằng nó có vị khá tệ. Các chuyên gia nhận định những hương vị được truyền bá trên thị trường là do các lái buôn thêu dệt nên, ngoài ra có thể một số hương vị đặc trưng của cà phê chồn là kết quả của các sản phẩm tẩm ướp từ bên ngoài, không phải tự nhiên.
Đứng trước những nhận định của các chuyên gia cà phê, cũng như một số đại diện cho Hội bảo vệ động vật, cà phê chồn dần dần được lộ rõ bản chất thật của mình và mất đi sự ủng hộ cũng như giá trị của chính nó trên thị trường, đặc biệt là trong làn sóng cà phê thứ ba - khi sự minh bạch và bền vững của cà phê được đề cao. Rõ ràng việc nuôi bắt này vừa không đem lại giá trị thực tế, không đem lại lợi ích cho nông dân, và ảnh hưởng trực tiếp đến động vật, đến hệ sinh thái của môi trường.
TẠM KẾT
Ở trên là toàn bộ những thông tin về cà phê chồn mà iO nghĩ các bạn nên biết.
Tuy không khó để có thể tìm kiếm những thông tin này trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tuy nhiên không phải ai cũng dành cho mình chút thời gian để có cho mình một cái nhìn cận cảnh.
Hãy để iO Coffee đem những thông tin đó đến gần với bạn hơn. Và chúng ta hãy là một nhà tiêu dùng thông thái, hiểu rõ hơn về giá trị thật sự của sản phẩm mình chọn lựa bạn nhé. Đây cũng là một cách để chúng ta giúp cho giá trị nông nghiệp, giá trị cà phê Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững hơn đó.
Nguồn tham khảo:
Comments